Quản lý an toàn thực phẩm xứ Lạng: Đồng lòng trong cuộc chiến gian nan!
Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc, có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ. Vị trí địa lý trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Lạng Sơn nhưng cũng là nơi diễn ra các hoạt động nhập lậu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, phụ gia, chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng nguy cơ ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với vai trò là cơ quan chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về các lĩnh vực thuộc ngàng Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn trong những năm qua đã rất quyết liệt trong việc xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Trên mặt trận thông tin truyền thông, Sở đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức: đăng tin bài trên Trang thông tin điện tử của Sở; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn tăng cường công tác tuyên truyền, dành thời lượng phát sóng, tin bài thích hợp cho các nội dung: thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm như điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ; yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên hệ thống Trang thông tin điện tử của Cục để cập nhật kịp thời tình hình an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu trên địa bàn quản lý; đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác bảo đảm an toàn an ninh, an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức: vận động ký cam kết chấp hành pháp luật đối với 111 cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết trung thu; tuyên truyền thông qua hoạt động kiểm tra được 131 lượt cơ sở kinh doanh. Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào các nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm; Quy định về hợp quy đối với đồ chơi, khuyến cáo không kinh doanh các loại đồ chơi nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhân cách giáo dục,...
Trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng số cơ sở được kiểm tra là 992 cơ sở, số cơ sở vi phạm: 103 cơ sở (chiếm 10,38% tổng số cơ sở được kiểm tra), trong đó có 66 cơ sở vi phạm bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền (189.500.000 đồng) và nhắc nhở 37 cơ sở.
Có thể thấy nội dung vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà đeo đồng hồ, vòng, lắc, không cắt ngắn móng tay; sử dụng người trực tiếp kinh doanh thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, không khám sức khỏe định kỳ...; không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định; hàng hoá quá hạn sử dụng.
Một số mặt hàng vi phạm chủ yếu đã tịch thu tiêu hủy hoặc buộc tiêu hủy do không đảm bảo an toàn thực phẩm, không đảm bảo điều kiện lưu thông trên thị trường, gồm: phụ gia thực phẩm 12 hộp; xúc xích 3.030 cái; bánh kẹo các loại, lương khô 885 túi; chân gà ăn liền 2.395 gói, 11 thùng mì tôm nhãn hiệu Hảo Hảo,... Đoàn kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh đã thực hiện lấy 10 mẫu bánh trung thu thực hiện hậu kiểm. Kết quả 10 mẫu đạt, chiếm 100% tổng số mẫu thực hiện hậu kiểm.
Những năm qua, Ban Chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã có hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời việc tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm trong các dịp lễ, tết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động truyền thông và thực hiện kiểm tra các cơ sở thực phẩm. Công tác truyền thông, tuyên truyền về an toàn thực phẩm nói chung và đặc biệt là dịp Tết Trung thu năm 2024 nói riêng đã được tăng cường, nhiều hoạt động truyền thông được tổ chức phù hợp với tình hình của địa phương, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Không thể không kể đến là việc phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực; các cơ sở thực phẩm đã được kiểm tra theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Ngoài ra, ý thức lựa chọn hàng hoá của người tiêu dùng tiếp tục có những chuyển biến tích cực, chú trọng mặt hàng sản xuất nội địa, hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nhờ vậy, trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra liên ngành đã kịp thời phát hiện và tiêu hủy nhiều sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng như: sản phẩm sữa, nước ngọt, bánh, kẹo, mì tôm, xúc xích... góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, vẫn còn đó là những hạn chế gây cản trở công tác quản lý an toàn thực phẩm. Đó là kinh phí thực hiện công tác an toàn thực phẩm hạn hẹp, do vậy các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm các cấp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn gặp khó khăn trong việc đầu tư, trang bị các test nhanh phục vụ công tác kiểm tra và thực hiện triển khai các chương trình truyền thông có quy mô lớn về bảo đảm an toàn thực phẩm. Đó là đội ngũ cán bộ quản lý về an toàn thực phẩm ở cấp huyện, cấp xã còn mỏng; thiết bị phục vụ công tác kiểm tra còn thiếu, chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế; một số địa phương chưa triển khai kịp thời…
Mặc dù vậy, với ý chí và quyết tâm, ngành Công Thương Lạng Sơn luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Là địa bàn cửa ngõ biên giới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về thẩm lậu thực phẩm không rõ nguồn gốc từ bên kia biên giới cũng như các loại thực phẩm bẩn trong nội địa ra, hơn ai hết, tỉnh Lạng Sơn đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể đấu tranh quyết liệt với mọi biểu hiện của việc vi phạm an toàn thực phẩm, nhằm đem lại một cuộc sống binh yên cho nhân dân xứ Lạng thân yêu!
Nguồn: Tạp chí Công Thương