Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Công thương

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điểm mới trong Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp

Ngày 11/6/2020 Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Sau khi Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2020 sẽ có những điểm khác biệt so với quản lý, phát triển cụm công nghiệp trước đây, để thuận tiện cho nghiên cứu, tìm hiểu, xin thông tin một số điểm nổi bật của Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 (Nghị định) như sau:

1. Nghị định sửa đổi bổ sung tất cả 05 Điều, 06 khoản và 01 điểm tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017.

2. Thay đổi từ ngữ: Điểm mới và khác biệt ngay ban đầu tại Nghị định là thay đổi cụm từ “QUY HOẠCH” bằng cụm từ “PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN”

3. Những điểm tích cực, có hướng mở tạo điều kiện thu hút phát triển cụm công nghiệp tại khoản 5 Điều 1 Nghị định quy định 03 cơ sở điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp:

- Có sự điều chỉnh Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên trên địa bàn; các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác trên địa bàn.

- Có sự điều chỉnh quỹ đất dành cho phát triển cụm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu thuê đất đầu tư sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân và phù hợp với hiệu quả đầu tư xây dựng hạ tầng, khả năng cho thuê của các cụm công nghiệp trên địa bàn cấp huyện.

- Xác định rõ chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; trường hợp rút cụm công nghiệp ra khỏi phương án phát triển cụm công nghiệp thì phải xác định rõ phương án chuyển đổi cụm công nghiệp.

Đặc biệt, quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 01 tháng 01 năm 2019, trong quá trình thực hiện được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung theo quy định về quản lý quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tại Nghị định 68/2017/NĐ-CP cho đến khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt theo quy định của pháp luật quy hoạch quy định rõ tại Điều 3 của Nghị định.

Điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp (hình ảnh minh họa)

4. Tại khoản 9 Điều 1 Nghị định có điểm thực sự mới, đặc biệt lựa chọn được các nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, cụ thể như sau:

 “Điều 15. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp

3. Khuyến khích, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp khi có hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng cụm công nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định này.

Trong quá trình thẩm định quy định tại khoản 3 Điều 12, Sở Công Thương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư (gồm Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở Công Thương và đại diện một số Sở, cơ quan liên quan là thành viên) để chấm điểm với thang điểm 100 cho các tiêu chí: phương án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 15 điểm); phương án quản lý, bảo vệ môi trường cụm công nghiệp (tối đa 15 điểm); năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã (tối đa 30 điểm) và phương án tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 40 điểm).

Doanh nghiệp, hợp tác xã có số điểm từ 50 trở lên được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp (trường hợp có từ hai doanh nghiệp, hợp tác xã trở lên cùng đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thì giao doanh nghiệp, hợp tác xã có số điểm cao nhất). Trong quá trình thực hiện, nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật sau 12 tháng kể từ ngày thành lập, mở rộng cụm công nghiệp hoặc ngừng thực hiện, chậm triển khai dự án 12 tháng so với tiến độ tại quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét gia hạn hoặc quyết định lựa chọn chủ đầu tư khác.

Trường hợp dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo hình thức đối tác công tư thì lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Thời gian lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư không tính vào thời gian thẩm định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.”

Từ điểm mới trên, Sở Công Thương tập trung triển khai các lợi thế, tiềm lực tập trung phát triển các nguồn lực, kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, trước mắt trong giai đoạn 2021 – 2026 với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững, cần lấy công nghiệp là ngành kinh tế phát triển đột phá, bổ sung mục tiêu phát triển các cụm công nghiệp; trong đó định hướng phát triển các ngành nghề trong cụm công nghiệp là các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp vật liệu mới, chế biến thực phẩm chất lượng cao, công nghệ thân thiện môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguyên liệu vì mục tiêu phát triển bền vững; góp phần làm tiền đề để hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra tại Chương trình hành động số 104-CTr/TU ngày 26/10/2018 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Lạng Sơn thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 07/12/2018 thực hiện Chương trình hành động số 104/CTr/TU, thu hút, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, tăng thu ngân sách bền vững cho tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ổn định, tăng tưởng bền vững trong giai đoạn mới./.

 

Nguyễn Nghĩa - QLCN