Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Công thương

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tín Hiệu Sáng Cho Xuất Khẩu Cuối Năm Nhìn Từ Kết Quả Kinh Doanh Của Doanh Nghiệp

Dù vẫn chưa hoàn toàn hồi phục so với cùng kỳ năm trước song kết quả kinh doanh trong quý 2/2023 của nhiều doanh nghiệp đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu, thắp lên hy vọng cho những tháng còn lại của năm.

Xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng

Nhiều tín hiệu hồi phục

Kết quả kinh doanh của Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) đã ghi nhận sự hồi phục đáng kể trong quý 2/2023 so với quý trước đó với doanh thu tăng trưởng 22,6% và lợi nhuận ròng tăng 88,3%. Đáng chú ý, doanh thu cá tra ước đạt 1,55 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với quý 1/2023 nhờ doanh thu xuất sang Mỹ đạt 927 tỷ đồng, tăng trưởng 31% và Trung Quốc đạt 324 tỷ đồng, tăng 43%. Điều này cho thấy sản lượng tiêu thụ đã được cải thiện đáng kể so với mức thấp của quý trước ở cả hai thị trường.

Tương tự, trong lĩnh vực dệt may, doanh thu thuần quý 2/2023 của Công ty CP Sợi Thế Kỷ (STK) đạt 407 tỷ đồng, dù vẫn giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng đã ghi nhận tăng 41% so với quý 1/2023. Theo phân tích của SSI Research, so với quý 1/2023, sản lượng tiêu thụ của STK đã tăng tới 48%. Điều này cho thấy, dù sản lượng tiêu thụ vẫn thấp so với cùng kỳ năm trước nhưng đã ghi nhận sự phục hồi từ mức thấp của quý 1/2023 đối với cả sợi nguyên sinh (tăng 43,6%) và sợi tái chế (tăng 53,5%). Cùng với sự hồi phục của sản lượng tiêu thụ, giá chip PET nguyên sinh và chip PET tái chế giảm cũng giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp của các loại sợi này.

Trong lĩnh vực thép, lãi ròng quý 2/2023 của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng tăng mạnh tới 278% so với quý trước. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận ròng được cải thiện từ 1,5% lên mức 5% trong quý 2/2023. Điều này có được chủ yếu là nhờ công suất hoạt động cải thiện và giá HRC cao hơn so với quý trước.

Theo phân tích của SSI Research, mặc dù nhu cầu trong nước vẫn yếu đối với cả HRC và thép xây dựng, sản lượng tiêu thụ của HPG vẫn phục hồi nhờ kênh xuất khẩu HRC. Hiện công ty đã có trước đơn đặt hàng xuất khẩu HRC cho đến tháng 9, điều này sẽ giúp duy trì sản lượng tiêu thụ HRC ổn định trong quý 3/2023 ở mức trung bình là 250 nghìn tấn/tháng. Thêm vào đó, giá HRC cũng có sự cải thiện nhờ có các đơn hàng ký trước, giúp bù đắp sự sụt giảm của giá thép. Cụ thể, giá HRC trung bình trong quý 2/2023 đã tăng 7% so với quý 1/2023.

Sẵn sàng đón cơ hội hậu lạm phát

Theo nhận định của các chuyên gia, tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU đã cho thấy những tín hiệu về sự hồi phục của hoạt động tiêu dùng. Lạm phát hạ nhiệt, áp lực tồn kho giảm và người dân bắt đầu mua sắm trở lại, hoạt động xây dựng nhà ở cũng đang ấm dần lên… Quý 3 cũng là thời kỳ tích trữ hàng hóa của các nhà bán lẻ để phục vụ cho mùa cao điểm lễ hội cuối năm. Theo đó, nhiều dự báo tích cực cũng được đưa ra đối với các DN xuất khẩu đồ gỗ, dệt may, thủy sản… của Việt Nam.

Các chuyên gia của Công ty chứng khoán BSC nhận định lượng đơn hàng của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG trong nửa cuối năm 2023 sẽ ổn định và khả quan nhờ tệp khách hàng không bị ảnh hưởng nhiều bởi vấn đề tồn kho. Qua trao đổi của BSC với TNG, cơ bản lượng đơn hàng đã được lấp đầy trong quý 3/2023 khi các khách hàng Decathlon, Columbia Sportwear… vẫn xuống đơn đều cho TNG. Điều này đã thể hiện qua doanh thu tháng 7/2023 đạt 782 tỷ đồng, tăng trưởng 2% so với cùng kỳ.

BSC cũng kỳ vọng đơn hàng của TNG đi Mỹ sẽ hồi phục từ quý 4/2023 do áp lực tồn kho tại thị trường này đã giảm và nhu cầu dần hồi phục khi lạm phát hạ nhiệt và các nhãn hàng chuẩn bị cho vụ Xuân 2024. Tương tự tại STK, ban lãnh đạo DN này cũng tự tin rằng các đơn đặt hàng sẽ tiếp tục cải thiện về số lượng trong quý 3 và quý 4/2023 so với quý trước.

Tại Công ty CP Tập đoàn PAN, 6 tháng cuối năm là mùa vụ kinh doanh cao điểm của tất cả các mảng kinh doanh của DN này, cùng với các yếu tố tích cực hỗ trợ, DN đang tập trung nhiều giải pháp để đạt được kết quả cao nhất. Nổi bật là mảng thủy sản, nhu cầu thị trường được kỳ vọng tích cực trở lại khi cuối quý 2/2023, PAN Group đã đón nhiều đoàn khách nước ngoài tới làm việc, và đơn hàng được ký kết cũng tăng tích cực. Để chuẩn bị cho sự hồi phục của đơn hàng, các vùng nuôi mới tự chủ của DN đã sẵn sàng đưa vào thả nuôi. Trong đó tại Fimex – thành viên của PAN Group, vùng nuôi mới hơn 203 ha đã sẵn sàng và thả nuôi vụ đầu tiên chính thức vào tháng 5/2023, đưa tổng diện tích vùng nuôi tự chủ của Fimex lên khoảng 530ha, tự chủ tới 40% đầu vào. Tại mảng cá tra, hai vùng nuôi mới 22ha tại Đồng Phú cũng đã chuẩn bị sẵn sàng thả nuôi trong năm 2023.

Trong ngành sản xuất săm lốp, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) cũng đặt kế hoạch doanh thu quý 3/2023 tăng trưởng 9% so với quý 2/2023 và lợi nhuận trước thuế tăng 14%. Theo đánh giá của các chuyên gia BVSC, kế hoạch này là khả thi nhờ thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ 11–12 triệu USD/tháng khi đơn hàng từ thị trường Mỹ tiếp tục gia tăng cùng triển vọng phục hồi tiêu thụ ở thị trường nội địa, với sự hỗ trợ của đầu tư công và việc giảm thuế GTGT xuống 8%.

DRC đang hoàn tất giai đoạn 3 của Dự án “Đầu tư mở rộng Nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial nâng công suất lên 1 triệu lốp/năm”. Dự án mới này sẽ được lắp đặt trên nhà máy lốp bias là chủ yếu để tận dụng diện tích và máy móc. Công ty sẽ điều chỉnh lại thiết bị sản xuất lốp bias, đồng thời sẽ đầu tư thêm khoảng 20– 30 tỷ để mua máy thành hình cho sản phẩm. Kế hoạch dài hạn của DRC là sẽ cung ứng nhiều hơn cho thị trường Brazil so với mức khoảng 12–20 nghìn lốp/tháng như hiện tại. Việc đầu tư quy mô lớn được kỳ vọng sẽ giúp DRC tiết giảm chi phí sản xuất sản phẩm và cải thiện biên lợi nhuận trong thời gian sắp tới.

Với các kế hoạch kể trên, BVSC đánh giá hoạt động xuất khẩu của DRC sẽ tiếp tục được củng cố do việc mở rộng sản phẩm, thị trường cũng như khách hàng trong thời gian tới. Tiềm năng tăng trưởng dài hạn của DRC cũng được đảm bảo bởi dự án mở rộng radial giai đoạn 3 và dự án lốp tải nhẹ PCR mới.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/