Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Công thương

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kế hoạch dự trữ hàng hóa ứng phó với dịch bệnh Covid-19

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona gây ra; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra; Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 31/01/2020 của Bộ Công Thương về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra; Công văn số 1648/BCT-TTTN ngày 09/3/2020 của Bộ Công Thương về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương để ứng phó với dịch Covid-19. Để chủ động các biện pháp ứng phó và hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh đến cung cầu, giá cả các mặt hàng trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn vừa triển khai Kế hoạch số 38/KH-SCT ngày 27/3/2020 về dự trữ hàng hóa nhằm ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Theo đó, mục tiêu đặt ra nhằm tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng từ đó có biện pháp điều hành hoặc kiến nghị, đề xuất nhằm bình ổn thị trường đảm bảo đủ nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn.

Đồng thời đảm bảo cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao phục vụ đời sống nhân dân khi xảy ra dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Kịp thời ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, găm hàng, đầu cơ tích trữ, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên địa bàn tỉnh.

Phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong việc chủ động dự trữ, cung ứng hàng hóa nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổ chức các hoạt động thương mại ổn định, khai thác hàng hóa đủ về số lượng, chủng loại phục vụ trước, trong và sau dịch bệnh, hạn chế tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá cục bộ. Kịp thời hỗ trợ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm thiết yếu ở mức độ tiêu dùng tối thiểu cho người dân ở khu vực cách ly do dịch bệnh (nếu có).

Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa theo 04 tình huống của dịch Covid-19 đã được giả định tại Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 11/02/2020 của UBND tỉnh, cụ thể:

- Cấp độ 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nhưng đã có dịch xâm nhập vào Việt Nam.

- Cấp độ 2:  Có ca bệnh xác định xâm nhập và lây nhiễm thứ phát trên địa bàn tỉnh.

- Cấp độ 3: Dịch bệnh đã lây lan trong tỉnh với trên 20 trường hợp mắc.

- Cấp độ 4: Dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh và trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh của cả nước.

Đồng thời, dự báo nguồn cung và nhu cầu hàng hóa thực phẩm thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian có dịch bệnh. Cụ thể, đối với các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn như nhóm hàng lương thực (Sản lượng gạo tại tỉnh Lạng Sơn đạt khoảng 130.000 tấn/năm), nhóm rau xanh các loại (Sản lượng tại chỗ đạt hơn 100.000 tấn/năm), nhóm hàng công nghệ phẩm tiêu dùng (đường, sữa, nước mắm, mỳ chính, mỳ tôm, lương khô, dầu ăn, muối I ốt…), nhóm hàng xăng dầu (lượng dự trữ thường xuyên khoảng 3000m3 xăng và 1500m3 dầu) và nhóm hàng chất đốt (lượng dự trữ thường xuyên khoảng 1.800kg) đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.  

Với lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ tăng, giá cả được cam kết giữ ổn định, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, chung tay phòng dịch, không nên mua tích trữ, thay đổi thói quen từ mua trực tiếp qua mua online hoặc qua điện thoại để hạn chế tới nơi đông người, tránh sự lây lan của dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho mình và cộng đồng.

Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, tâm lý của nhân dân trên địa bàn để kịp thời ứng phó với từng diễn biến của tình hình dịch bệnh.

Phòng Quản lý Thương mại